Với những ai không hiểu quá sâu về vấn đề gọi vốn thì ICO chính là một phương thức đầy lỗ hổng để huy động một số lượng tiền lớn. Khác với IPO, ICO cho phép các công ty bán ra các token hoặc tiền ảo trên mạng lưới Blockchain – những thứ được mặc định là sẽ có giá trị trong tương lai. Nhưng thực tế thì lại chẳng bao giờ hoàn hảo như dự đoán.
Theo cuộc nghiên cứu của công ty tư vấn ICO Satis Group công bố vào ngày 11/7/2017 thì 80% dự án ICO đã được xếp vào danh mục "lừa đảo". Chi tiết hơn, báo cáo này thống kê được rằng xấp xỉ 78% các dự án ICO là lừa đảo, 4% đã thất bại, 3% đã "chết" và chỉ có 15% dự án được đưa lên sàn giao dịch.
Thực tế này chẳng khó để nhìn nhận. Và để phản ánh cái bản chất lừa đảo của ICO, chính Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) đã tạo ra một ICO giả chỉ để dạy các nhà đầu tư một bài học và khiến họ tránh xa hình thức đầu tư mới này.
Nhưng điều đáng chú ý chính là con số 78% mới chỉ là số các dự án đã thể hiện rõ bản chất lừa đảo. Con số trên chưa bao gồm số các dự án mang vẻ hợp pháp nhưng đang phải vật lộn vì yếu kém trong quản lý hoặc các yếu tố khác. Một ví dụ cho các dự án kiểu trên chính là Tezos. Trong năm 2017, dự án này đã gây quỹ được 230 triệu USD trước khi được chính thức ra mắt.
Và như đã đề cập ở trên thì nhóm nghiên cứu tại Satis thống kê được rằng 4% số dự án ICO đã thất bại, còn số dự án đã "chết" chiếm 3%. "Chết", theo những gì họ mô tả, có nghĩa là các dự án ICO đã được gọi vốn nhưng không được đưa lên sàn giao dịch và không đóng góp bộ mã trên Github trong 3 tháng kể từ thời điểm đó.
Nói một cách đơn giản hơn thì các dự án trên đều đang "làm màu" rồi "lặn không sủi tăm" trước mắt các nhà đầu tư. Và thống kê một cách đơn giản hơn thì có tới 85% dự án ICO khởi động trong năm 2017 được liệt vào danh sách lừa đảo hoặc thất bại.
Với tỷ lệ cao như vậy, bài thống kê này chính là lí do để bạn hiểu và tránh xa hình thức gọi vốn đầy nguy hiểm này.
Theo PV
VnReview