Cuộc sống ở đất nước mặt trời mọc cũng đầy áp lực và thậm chí là cô đơn hơn bạn nghĩ rất nhiều. Đọc xong những điều dưới đây, bạn sẽ hiểu rằng những tiện ích giúp phục vụ đời sống con người, hóa ra là để che giấu nỗi lạc lõng bên trong.
1. Sống như những người "bốc hơi"
Hikikomori là lối sống mà ở đó, người trẻ (đa phần là nam giới) tự cách ly với thế giới bên ngoài, nhốt mình trong phòng từ 6 tháng hoặc hơn. Họ nhận thấy bản thân không còn khả năng đối mặt với xã hội nên trốn luôn trong nhà, thực hiện mọi sinh hoạt như ăn uống, xem TV, chơi điện tử, đọc truyện... ở trong phòng. Người theo lối sống Hikikomori không quan tâm tới chuyện trường lớp, tương lai hay nghề nghiệp. Họ tồn tại, chứ không sống.
Người theo lối sống này sẽ có một căn phòng "khủng khiếp" bởi họ chẳng bao giờ ra khỏi nhà.
Tình trạng này xảy ra vô cùng phổ biến ở Nhật Bản. Vào năm 2016, chính phủ nước này đã đưa ra con số 540.000 người ở độ tuổi 15 - 39 đang rơi vào tình trạng Hikikomori. Tuy nhiên số lượng thực tế có thể nhiều tới gấp đôi. Một số "người bốc hơi" khác lại tìm tới thành phố Sanya, một khu ổ chuột ở Tokyo - nơi đã bị xóa sổ khỏi bản đồ trên danh nghĩa.
2. Dịch vụ "xin lỗi tận nhà"
Lời xin lỗi thường khá khó để có thể thốt ra bằng lời. Người Nhật cũng cảm thấy việc xin lỗi quả là điều khó khăn, do đó, những dịch vụ "gửi lời tạ lỗi tận nhà" đã ra đời. Những dịch vụ này sẽ cử các chuyên gia, thậm chí là những nhà tâm lý học tới để giúp bạn thoát khỏi những tình huống "éo le".
Giá của dịch vụ tùy thuộc và "quy mô lời xin lỗi" cũng như "cách thức xin lỗi". Ví dụ, nếu bạn xin lỗi qua điện thoại hoặc email thì giá sẽ thấp hơn là xin lỗi trực tiếp. Nhiều dịch vụ chuyên nghiệp còn tính phí xin lỗi theo giờ (khoảng 33 đô/giờ).
3. Căn phòng sinh ra để "ép nhân viên nghỉ việc"
Chính sách sa thải ở Nhật Bản khá khác biệt và gây nhiều bất lợi cho người lao động. Khi vị trí của bạn bị cắt giảm, bạn sẽ bị sa thải ngay lập tức và đó là điều kinh khủng trong nhịp sống nhiều bon chen tại đất nước này.
Một "gói hưu trí sớm" tại Sony sẽ tương đương khoảng 54 tháng tiền công. Không muốn chi ra số tiền lớn như vậy, các công ty sẽ tạo ra những "căn phòng nhàm chán", đẩy nhân viên vào đó và buộc họ phải chủ động xin nghỉ việc. Nhân viên trong những căn phòng này sẽ phải đọc báo, xem video, làm báo cáo cuối ngày. Trình tự như vậy được lặp đi lặp lại cho tới khi họ chán nản, cảm thấy bị lãng quên và rồi bỏ cuộc vì thấy bản thân quá mất giá trị.
4. Dịch vụ vỗ về người cô đơn
Chiếc ghế thế này có giá tận 419 USD đấy...
Những người cô đơn hay thậm chí quá nhút nhát để tiến tới một mối quan hệ chính thức có thể sử dụng các dịch vụ "vỗ về" như cách để xoa dịu tâm hồn. Quán cà phê cô đơn, dịch vụ "hẹn hò một ngày", dịch vụ "trả tiền để được ôm ấp", hay thậm chí là những sản phẩm như ghế cô đơn... sẽ giúp bạn cảm thấy mình không còn lạc lõng nữa.
5. Thị trấn lạc lõng phía sau bức tường
Sau vụ khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima vào năm 2011, chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một bức tường lớn để bảo vệ thị trấn ven biển. Những bức tường này cao tới hơn 12m, có thể ngăn sóng biển và giúp người dân có thêm thời gian để di tản, phòng trường hợp cấp bách xảy ra.
Nhưng bạn có thấy, bức tường này dù an toàn đến đâu, cũng đã trở thành một rào cản đầy cô đơn không?
6. Máy bán hàng tự động "cái gì cũng có"
Một chiếc máy bán hàng tự động cung cấp phục trang...
Theo ước tính, tại Nhật bản có tới hơn 5 triệu máy bán hàng tự động phủ sóng toàn quốc. Bạn có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn ở chiếc máy này, từ trứng, tới cua, tới suất ăn trưa, thậm chí là cả... đồ lót có "mùi" của nữ sinh.
Bạn chẳng cần phải bước đi quá xa để có được món đồ mình cần, cũng chẳng cần phải giao tiếp với bất kì ai. Chỉ mình bạn và chiếc máy, mọi thứ giao dịch gọn gàng và tiện lợi. Sau vài phút nhét tiền và lấy đồ, bạn lại trở về cuộc sống trong vỏ bọc, viết tiếp những tháng ngày cô đơn không mục đích.
Tổng hợp