Mở cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba, thay vì tự phát triển dịch vụ của riêng mình sẽ giúp Grab nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động hơn.
Theo báo Trung Quốc South China Morning Post, Grab, công ty dịch vụ theo yêu cầu có trụ sở tại Singapore, sau khi "nuốt chửng" mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á hiện đang có kế hoạch mở cửa nền tảng của mình cho các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba, tiếp tục nuôi tham vọng trở thành "ứng dụng của mọi nhà".
Nguồn tin cho biết, các công ty Internet ở Trung Quốc và hiện nay là cả các công ty ở Đông Nam Á đều đang đi theo xu hướng xây dựng những nền tảng đa dịch vụ để mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Việc mở cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba, thay vì tự phát triển dịch vụ của riêng mình sẽ giúp Grab có thể nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động hơn.
Điểm chung của các nền tảng này là hình thức thanh toán, cho phép các công ty nắm bắt cách thức tiêu thụ của người dùng. Dữ liệu này sau đó được phân tích để thiết kế các dịch vụ tốt hơn, hoặc định giá các sản phẩm như cho vay và bảo hiểm.
Giống như mô hình "siêu ứng dụng" của các đại gia Internet Trung Quốc như Alibaba và Tencent hay đối thủ Go-Jek ở Indonesia, Grab có thể sẽ cung cấp dịch vụ thông qua nền tảng của hãng, từ đặt vé xem phim đến giáo dục trực tuyến, mua sắm online.
Go-Jek hiện đang cung cấp dịch vụ đặt phòng, dọn dẹp nhà cửa, bảo trì xe hơi thông qua ứng dụng của hãng. Người dùng cũng có thể nhận hàng tạp hóa và đơn thuốc được gửi qua ứng dụng Go-Jek.
Bản thân Grab cũng đã phân nhánh các dịch vụ dựa trên nền tảng di động, từ "xe ôm" đến chuyển phát thực phẩm và bưu kiện. Công ty đã hoạt động tại tám quốc gia Đông Nam Á, gồm cả Việt Nam.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là không có mặt trái. Người dùng sẽ có xu hướng đổ lỗi cho bên vận hành nền tảng - trong trường hợp này là Grab - nếu như dịch vụ mang lại trải nghiệm không tốt. Vì vậy, để thành công, Grab buộc phải cân nhắc và chọn lựa đối tác của mình thật kỹ lưỡng.
Để đạt được điều đó, Grab đã mở ra một chi nhánh đầu tư vốn mạo hiểm để hỗ trợ các startup. Làm như vậy cho phép công ty sở hữu cổ phần trong các doanh nghiệp mới nổi có thể sẽ tăng trưởng trong tương lai và được đưa vào nền tảng chung của Grab.