Kể từ những năm 90 của thế kỉ trước, sự phát triển của ngân hàng điện tử đánh dấu sự phổ biến của các giao dịch và thanh toán phi tiền mặt tại một vài quốc gia có nền công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, từ những năm 2010 đến nay, giao dịch phi tiền mặt đang trở thành một xu hướng chung khắp nơi trên thế giới.
Các công cụ trực tuyến như PayPal, thanh toán qua công nghệ giao tiếp tầm gần NFC bằng điện thoại hoặc thẻ điện tử, ví điện tử vận hành bởi Samsung hay Apple, ngân hàng điện tử và hệ thống thanh toán hoá đơn điện tử trực tuyến đã khiến thanh toán phi tiền mặt ngày càng tới gần người dùng hơn. Một trong những yếu tố thúc đẩy cho xu hướng này chính là vật bất ly thân của nhiều người: smartphone.
Theo một thống kê của World Bank, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam thuộc mức thấp (theo bình quân đầu người). Con số có thể chỉ dừng lại ở 4,9%.
Trang ForexBonus từng thực hiện chấm điểm các quốc gia trong cuộc đua tới một xã hội phi tiền mặt, Canada đang được xem là cái tên dẫn đầu với 6,48/ 10 điểm. Tại quốc gia này, mỗi công dân đều trung bình sở hữu hai chiếc thẻ tín dụng. Thuỵ Điển xếp ngay sau đó với 6,47/ 10 điểm với 59% tổng số giao dịch tiêu dùng được thực hiện thông qua các hình thức phi tiền mặt. Quốc gia Châu Á đứng vị trí cao nhất trong top 10 là Trung Quốc với 5,17/ 10 điểm. Theo đó ForexBonus ghi nhận đây là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán phi tiền mặt lớn nhất thế giới trong 5 năm trở lại đây. Từ năm 2016, Singapore Business Review đã cho biết số lượng giao dịch phi tiền mặt tại Trung Quốc đã chạm mốc 50%.
Thế nhưng, khu vực nóng bỏng nhất của tăng trưởng có lẽ cũng phải kể đến Đông Nam Á. Nhiều đơn vị cung cấp các dịch vụ, giải pháp thanh toán phi tiền mặt đang nhòm ngó vào thị trường rộng lớn có dung lượng thanh toán di động chạm mốc 30 tỷ USD vào năm 2021 này, theo công ty tư vấn quản trị Oliver Wyman. Là “nhà” của 600 triệu người tiêu dùng có hiểu biết và thích công nghệ, Đông Nam Á trở thành sân chơi hấp dẫn cho các loại ví di động, nhất là khi ví điện tử tại khu vực này khá phổ biến với nhiều đơn vị cung cấp từ các công ty viễn thông, ngân hàng, các nhà sản xuất thiết bị và thậm chí cả các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, di chuyển.
Trong tương lai, nhiều nước trên thế giới sẽ thay thế dần việc sử dụng tiền giấy để chuyển sang các hình thức thanh toán di động, điện tử. Hoặc ít nhất là khuyến khích hình thức này phát triển. Khi đó, các cửa hàng, trung tâm thương mại, dịch vụ taxi, trường đại học sẽ không còn sử dụng tiền mặt để đáp ứng chuyển đổi.
Đầu năm nay, Financial Times cũng thực hiện một khảo sát tại khu vực Đông Nam Á với kết quả cho thấy thanh toán di động đang phát triển tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Philippines, Malaysia hay Thái Lan. Tại Việt Nam, Financial Times cho biết ba hình thức thanh toán phi tiền mặt phổ biến nhất hiện nay vẫn là chuyển khoản thông qua thẻ ATM, ngân hàng di động/ Internet và thẻ tín dụng. Đây cũng là một điều dễ hiểu bởi thanh toán di động chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam và một số dịch vụ cũng mới chỉ nhen nhóm triển khai tại thị trường trong nước, Samsung Pay là một ví dụ điển hình về xu hướng thanh toán di động tại nước ta.
Được giới thiệu tại quê nhà Hàn Quốc từ năm 2015, tuy nhiên, mãi phải tới tháng 9 năm 2017, Samsung Pay mới chính thức đến Việt Nam. Đến nay, dịch vụ này đã liên kết với khoảng 15 ngân hàng và 3 tổ chức thẻ. Sự tiện lợi của các dịch vụ thanh toán di động như Samsung Pay nằm ở việc nó đóng vai trò như một chiếc ví điện tử cho người sử dụng.
Tại các điểm bán hỗ trợ thanh toán qua POS (với công nghệ Magnetic Secure Transmission - MST và Near Field Communication - NFC), người dùng có thể đưa chiếc điện thoại của mình lại gần, tương tác một vài thao tác đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật (qua chính các hình thức bảo mật của điện thoại như mã PIN, cảm biến vân tay và máy quét mống mắt) là đã có thể thực hiện thanh toán.
Một ông lớn làng di động khác cũng có giải pháp thanh toán di động là Apple với Apple Pay. Tuy nhiên đến nay “táo khuyết” chưa bày tỏ ý định sẽ triển khai dịch vụ này tại Việt Nam. Một số báo cáo cho biết sau những tháng đầu triển khai, Samsung đang có gần 400.000 người dùng đăng kí cùng 500.000 giao dịch đã được thực hiện với dung lượng thanh toán 350 tỷ đồng. Đây chưa hẳn là một con số quá lớn nhưng nó rõ ràng cho thấy tương lai của thanh toán sẽ là thanh toán phi tiền mặt và thanh toán di động.